- Sơ lược về dự án :
- Dự án “AT OUR BEST”
- Thời gian : 04/06/2016 – 18/06/2016
- Địa điểm : xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh
- Thành phần tham gia : 25 sinh viên của Đại học Công nghệ Nanyang Singapore ( NTU) ; 3 tình nguyện viên Việt Nam và những thành viên khác của ECO Vietnam Group.
- Thành tích đạt được :
- Lắp đặt 5 túi biogas
- Thăm hỏi 8 hộ dân
- Dạy tiếng Anh cho học sinh tiểu học
- Tham gia Handover Ceremony – Lễ tổng kết kết thúc chuỗi dự án mùa hè 2016.
“AT OUR BEST” dự án thứ 11 trong chuỗi dự án của năm 2016, được thực hiện với sự kết hợp của trường Đại học Công nghệ Nanyang Singapore (NTU) cụm 11, 3 tình nguyện viên Việt Nam chính thức cùng với sự giúp đỡ của các thành viên trong ECO Việt Nam Group. Mục đích của dự án là để cải thiện điều kiện sống, môi trường xung quanh, cho người dân và trẻ em ở xã Phong Phú bằng việc lắp đặt những túi biogas, dạy tiếng Anh cho học sinh ở trường tiểu học Phong Phú A, thăm hỏi các hộ gia đình khó khăn, tổ chức đêm giao lưu văn hóa giữa Việt Nam, Singapore và nhân dân, trẻ em địa phương Phong Phú và tham dự lễ Handover Ceremony – Lễ tổng kết chuỗi dự án của ECO VIETNAM GROUP trong mùa hè này tại tỉnh Trà Vinh.
- Quá trình diễn ra hoạt động:
04/06/2016 : Tất cả các thành viên của EVG team có mặt tại sân bay để đón các sinh viên của trường Đại học Công nghệ Nanyang Singapore thuộc cụm 11 để bắt đầu hành trình.

EVG team đón các sinh viên của Đại học Công nghệ Nanyang tại sân bay.
05/06/2016 : Cả đoàn cùng di chuyển xuống xã Phong Phú, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Ngày đầu tiên xuống dưới địa phương còn nhiều bỡ ngỡ, tất cả chúng tôi đều đã sẵn sàng cho những gì đang đợi chúng tôi, hành trang đã đủ, chỉ còn đem áp dụng tất cả những gì tốt đẹp nhất cho vùng đất mà chúng tôi sắp sửa phải sống nơi đây trong 2 tuần.
Buổi lễ chào mừng đoàn xuống với địa phương được diễn ra trong bầu không khí vui tươi và hồ hởi. Đại diện các bên gồm có Chủ tịch xã Phong Phú, đại diện từ phía ECO Việt Nam Group, các tình nguyện viên của cả hai team – EVG team và Steam. Các đại diện đã có những bài phát biểu chào mừng và gửi gắm những hy vọng và sự giúp đỡ của đôi bên, chờ đón một dự án nhiều thành công và đọng lại những kỉ niệm sâu sắc nhất.

Các bên trao nhau những món quà lưu niệm trong buổi lễ chào đón đoàn.
Mục đích chính của dự án là cải thiện đời sống sinh hoạt cho người dân, phần nào giúp họ cách thức cải tạo môi trường sống xung quanh, dạy tiếng Anh, giúp trẻ em tìm được niềm vui và sự hứng thứ trong việc học, bên cạnh đó, tìm hiểu và cảm nhận phong cách sống giản dị của bà con miền Tây – chính là để mở mang tầm mắt và thêm yêu những mảnh ghép trên đất nước Việt Nam này.
Construction team : Đến với xã Phong Phú, chúng tôi vẫn còn mang chút bỡ ngỡ bởi những nét hoang sơ và lạ lẫm nơi đây. Tìm về đến với những hộ dân và biết sơ qua về kinh tế của người dân, chúng tôi nhận thức được những giá trị đúng đắn và không ngừng tìm ra những phương thức mới phù hợp nhất với lối sống của địa phương này. Với nhiều hộ dân có trang trại chăn nuôi, đây là nguồn kinh tế chính của cả gia đình, nhưng việc xử lí và tận dụng các nguồn chất thải từ sinh hoạt và chăn nuôi vẫn còn đơn giản, người dân họ biết cách sử dụng những phương pháp tạo ra năng lượng nhưng hoạt động không hiệu quả và gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường xung quanh. Với công nghệ sử dụng túi HDPE trong việc tạo ra khí đốt cũng như đem lại ánh sáng cho hộ gia đình, nên đây là một trong những nhiệm vụ mà chúng tôi dành nhiều tâm huyết và nỗ lực, cũng như nhân lực để cùng nhau hoàn thành những túi biogas cho hộ dân mau chóng có nguồn khí ga sử dụng cho những hoạt động sinh hoạt hàng ngày, tận dụng nguồn chất thải tưởng chừng như vô ích và bỏ phí suốt thời gian dài, biến chúng thành những nguồn năng lượng hữu ích cho vùng đất Phong Phú – xa xôi và thiếu những nguồn nhiên liệu như thế này. Chúng tôi đã cùng hợp sức đem những cái mới, cái tiên tiến, đóng góp chút khéo léo và sức lực để có thể được nhìn thấy niềm vui và nụ cười của những hộ dân khi có túi biogas mới để sử dụng.

Dưới sự hướng dẫn tận tình của chú Thanh,


Chúng tôi đã có thể tự mình lắp túi biogas.
Công đoạn lắp túi này đòi hòi sự tỉ mỉ và chính xác cao. Một túi biogas có được đi vào sử dụng hiệu quả hay không là nhờ vào phần lớn nhiệm vụ này. Những dụng cụ và tư trang cho lao động được chuẩn bị đầy đủ. Chúng tôi chăm chú theo dõi từng bước hướng dẫn của chú Thanh – người có kinh nghiệm dày dạn theo nhiều dự án của ECO Việt Nam Group, từng thao tác và những lưu ý trong quá trình lắp túi được chúng tôi lắng nghe và làm theo. Từng con ốc vít được vặn chặt ra làm sao, kích thước đặt ống trong và ngoài để dẫn khí như thế nào, làm sao để khắc phục sự cố khi lắp sai hay điều chỉnh như thế nào để khí không lọt ra ngoài – đó đều là những kiến thức chúng tôi học được qua những buổi đi lao động như thế này đây. Học cách quan sát và thấu hiểu chúng để áp dụng cho những ngày construction sau đó, khiến cho những ngày kế tiếp của chúng tôi trở nên thuần thục và điêu luyện hơn.


Một trong những phân đoạn đòi hỏi phải thay phiên nhau thực hiện : đó là đào hố. Dựa vào những thông số kĩ thuật mà chúng tôi đã được xem qua, nắm bắt hiện trạng của đất , chúng tôi cứ thế tiến hành. Trước hết nắm rõ tình trạng hố như thế nào,xác định hướng đào và tập trung đào theo sự hướng dẫn và giúp đỡ của hộ gia đình. Mặc cho tình trạng đất khó đào hay nguy hiểm trong quá trình tiến hành, chúng tối vẫn hì hục hăng say đến khi có được hố đúng theo yêu cầu ban đầu đề ra. Nếu hố không được hoàn thiện một cách chính xác, việc đặt túi biogas vào hố sẽ không đúng theo yêu cầu , sẽ đòi hỏi mất nhiều thời gian và nhân lực. Xác định hướng đi đúng đắn từ đầu khiến chúng tôi hoàn thành một cách nhanh chóng hơn.

Việc đào đất và tải vào khoảng hơn 30 bao, đòi hỏi chúng tôi biết cách tận dụng người hiệu quả, không làm mất sức của các thành viên trong đoàn, cũng là để giữ sức cho những ngày lao động sắp tới. Các bao đất này sau khi được cột chặt, sẽ được sử dụng sau khi đã đặt hoàn chỉnh túi biogas xuống hố đất, công dụng của nó là để giữa chặt hai đầu túi, tránh cho túi nổi lềnh bềnh khi mùa lũ tới, và cũng là cố định hai đầu, tránh cho tình trạng thoát khí ra bên ngoài. Trọng lượng của bao tải đất quyết định mức độ hiệu quả của việc chèn hai đầu túi. Hộ gia đình đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều trong việc này, hướng dẫn tận tình cách thức vận chuyển cũng như ước chừng được khả năng thành công của việc hoàn thiện túi.


Đây là một phần không thể thiếu của cả quá trình lắp đặt : xây dựng hố ga – đòi hỏi nhiều sự khéo léo, tẫn mẫn từ chúng tôi. Đây chính là nơi các chất thải như phân heo hay nước sinh hoạt đi vào bên trong túi, việc tạo ra khí ga được hay không , công đoạn này chính là quyết định nhất. Chúng tôi, chuyền gạch, trộn vữa theo công thức có sẵn, nghe theo hướng dẫn để xem chừng lượng xi măng, cát và nước chúng tôi hòa vào đã đạt tiêu chuẩn hay chưa. Nếu không cẩn thận, sẽ phải sửa lại mất thời gian và nước thải sẽ không vào được túi để sinh khí. Kế đến là tiến hành xây hố ga, chúng tôi xây một thành lũy kiên có bao quanh một đầu của túi biogas, xây thật kiên cố để tránh nước vào trong. Sau khi hoàn thành xong, nối một đầu ống vào đường ống dẫn khí vào trong nhà để trực tiếp sử dụng.

Đây là một túi biogas đã được lắp đặt hoàn chỉnh và được đặt xuống hố. Chờ các công đoạn cuối cùng để đưa vào sử dụng như là một nguồn nhiên liệu cho cả hộ gia đình. Công đoạn này đòi hỏi cũng phải chuẩn xác không kém. Việc canh đo hay điều chỉnh túi biogas sao chon ngay ngắn và hấp thu được chất thải rất quan trọng.
Kết quả : với những nỗ lực không ngừng, bỏ qua những lạ lẫm ban đầu và không quen thuộc với công việc lao động tay chân như thế này, chúng tôi đã lắp ráp thành công 5 túi biogas. Đồng thời, để tìm hiểu rõ hơn về việc sử dụng năng lượng hay những nguồn nhiên liệu cho đời sống hàng ngày, chúng tôi cũng đã có những cuộc khảo sát đến từng hộ dân nơi chúng tôi tiến hành lắp túi, dành chút thời gian sau những giờ lao động để hỏi han tình hình về đời sống cũng như là để hiểu rõ hơn về con người ở vùng đất nơi đây.Chính là khoảng thời gian quý giá giúp EVG team , đặc biệt là Steam đền gần hơn với bà con ở xã Phong Phú này.
Teaching team: Chúng tôi đến với dự án với mục đích giáo dục. Mang những bài học bổ ích, những trò chơi thú vị, những kiến thức tiếng Anh cơ bản giúp bọn trẻ có thêm cái nhìn mới về việc học tiếng Anh. Những trò chơi khoa học, đòi hỏi nhiều trí tưởng – tin chắc rằng bọn trẻ có thừa, những mô hình lắp ghép bằng những que kem – dạy chúng học cách biết tận dụng những vật dụng sẵn có để tạo ra những trò chơi đơn giản, những câu chào hỏi đơn giản hàng ngày, những trò chơi lạ lẫm của các bạn Singapore cũng được lồng ghép vào trong mỗi bài học; chúng còn được học nhảy, học hát và xem chúng tôi biểu diễn bằng những ánh mắt thích thú. Hơn thế nữa, chúng tôi cũng vừa học được rất nhiều thứ từ bọn trẻ, những trò chơi dân gian, những câu nói bằng tiếng Khmer và tìm hiểu được cả hoàn cảnh gia đình của những đứa trẻ nơi đây.

“Bây giờ là mấy giờ?”

Những que kem sau khi sử dụng được tận dụng để xây những tòa tháp tùy theo sự tưởng tưởng của các em học sinh.

Cùng nhau học những bái hát và điệu nhảy cơ bản.

Trò rồng rắn lên mây.

Mệt lả người sau những trò chơi sinh động như thế này. Chúng học được từ bọn trẻ cách cười sảng khoái và luôn giữ tinh thần vui vẻ.
Kết quả: Chúng tôi đã truyền tải hết những bài học tiếng Anh, những trò chơi sinh động, giữ vững tinh thần lớp học để duy trì sĩ số, luôn tạo cho các em những ấn tượng sâu đậm cuối mỗi buổi học bằng cách ôn tập và nhắc lại trong những buổi học kế tiếp. Hiểu rõ hoàn cảnh gia đình, đồng cảm và chia sẻ những hy vọng, động viên giúp các em luôn bước tiếp trên con đường sắp tới.
House-keeping team: ngoài công việc lắp đặt và dạy học ra, chúng tôi còn có một đội ngũ làm việc rất chăm chỉ, nhằm mang lại những bữa ăn ngon và những ly nước mát lạnh cho những thành viên còn lại. Đồng hành cùng với chúng tôi có gia đình chị Lý – đầu bếp chính của của nhiều món ăn ngon. Những công việc như chuẩn bị đồ ăn, rửa chén, dọn dẹp phòng ốc và vệ sinh quanh khu vực ủy ban đều được chúng tôi hoàn thành nhanh chóng và hiệu quả, không khí làm việc luôn ngập tràn tiếng cười bởi những câu bông đùa của những người trong team.

Gia đình chị Lý và chúng tôi sau những giờ chuẩn bị bữa ăn.
Những hoạt động khác:
Thăm hỏi hộ dân : Chúng tôi đã thăm 8 hộ dân trong ngày đầu tiên và ngày cuối cùng ở dưới địa phương. Hỏi thăm tình hình từng hộ gia đình, sức khỏe và những khó khăn họ đang gặp phải, động viên và tặng những món quà nhỏ giúp họ phần nào đó vượt qua những khó khăn sắp tới.

Ngày đầu tiên thăm hộ dân.

Ngày cuối cùng thăm hộ dân.
Đi thăm ruộng : một trong những cách nhanh nhất để có thể hiểu được một nơi mới, đó là hòa mình vào với thiên nhiên nơi đó. Sau những ngày làm việc vất vả, chúng tôi dành thời cuối tuấn để đi thăm những cánh đồng đang vừa mới trồng. Mặc cho cái nắng gắt giữa trưa hè, chúng tôi vẫn thích thú và vui vẻ với khung cảnh ở đây. Chúng tôi còn đến thăm một trang trại quýt, thưởng thức trái cây ngọt lịm nơi đây; tình cờ bắt gặp một trang trại vịt ngay ở bên cạnh những cánh đồng khiến ai cũng hào hứng hẳn lên.


Một bóng râm hiếm hoi giữa bạt ngạt cánh đồng rộng lớn.
Hoạt động giao lưu thể thao với thanh niên địa phương : vào ngày cuối tuần chúng tôi đã có trận đấu giao lưu bóng chuyền giữa các Tình nguyện viên và thanh niên xã.Mọi người ai cũng hào hứng tham gia và cỗ vũ cho những đường bóng đẹp và học hỏi kinh nghiệm thể thao từ nhau. Từ đó giúp người dân địa phương và chúng tôi thân thiết với nhau hơn.

Nơi diễn ra những pha bóng kịch tính.
Những khoảnh khắc đáng nhớ khác sau giờ làm việc : lao động vất vả nhưng chúng tôi vẫn không quên dành những phát giây bên nhau, trò chuyện sau một ngày để biết nhau còn thiếu những gì, chia sẻ những niềm vui nho nhỏ gặp được trên những chuyến xe tải chở chúng tôi đi làm hàng ngày, ngắm mặt trời vào những lúc bình minh cũng như khi hoàng hôn .

Lao động hăng say nhưng cũng không quên nắm tay nhau và mỉm cười như thế này.

Những khoảnh khắc đáng nhớ sau những bữa ăn cùng gia đình chị Lý.

Những khoảnh khắc hóm hỉnh sau khi thưởng thức ánh hoàng hôn.
14/06/2016
Culture night : đêm của tuổi trẻ chính là đêm giao lưu văn hóa. Sau khi thăm hộ dân, những công đoạn được chuẩn bị hết sức chỉn chu : sắp xếp bàn ghế, âm thanh, ánh sáng.. Ngày này chúng tôi có cơ hội được giao lưu và học hỏi văn hóa của địa phương và của nước bạn, những bài hát, những điệu nhảy đều được hòa vang trong đêm. Sau đó là tiết mục lửa trại, mọi người kể cả những đứa trẻ chúng tôi gặp hàng ngày trong giờ teaching, đều nắm tay nhau vòng quanh ánh lửa đang cháy bập bùng, cùng hát nhảy theo những bài hát sôi động và đắm chìm trong những kỉ niệm đã cùng có với nhau trong suốt ngày vừa qua.

Tiết mục đầy hấp dẫn và thú vị của S-team.

EVG team cũng mang đến những giai điệu và điệu nhảy sôi động cho đêm Văn nghệ.

Cùng nhau tề tựu bên đám lửa trại sau khi những giai điệu sôi động kết thúc.
15/06/2016
Handover Ceremony : đây là buổi Lễ tổng kết các hoạt động cộng đồng tại huyện Cầu Kè có sự hiện diện của các thầy cô bên Trường Đại học Kỹ Thuật Nanyang và đặc biệt là sự hiện diện của Bộ Ngoại Giao Singapore- Ông Raymond Chow Phó Vụ Trưởng. Buổi lễ này nhằm Tổng kết chuỗi dự án diễn ra tại tỉnh Trà Vinh, ghi nhận những thành quả đạt được của các dự án tại các xã.

Đi thăm khu Trung tâm Phục vụ Cộng đồng ở xã Phong Thạnh : sau khi buổi lễ Handover Ceremony kết thúc, đoàn chúng tôi cùng đến với Trung Tâm Tình Nguyện Cộng Đồng (Community Volunteering Center) tại xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh , cách đó 20 phút di chuyển bằng xe bus. Ở đây chúng tôi được tham quan thư viện, ngắm nhìn những kệ đầy sách có được từ sự ủng hộ quyên góp cho trẻ em cũng như người dân nơi đây – giúp thay đổi thói quen đọc sách, mang tri thức đến gần hơn với những vùng quê nghèo và giúp họ thân quen hơn với sách báo. Tham quan khu vui chơi do chính bàn tay của các Tình nguyện của các dự án khác làm nên, có cơ hội được biết thêm những công trình khác của ECO Việt Nam Group đã đang và sẽ thực hiện nhằm mục đích phục vụ và thay đổi cộng đồng theo hướng tích cực.

Tham quan khu trò chơi ở Phong Thạnh.

Khu thư viện ở Phong Thạnh.
16/06/2016 : trở về TP. Hồ Chí Minh
Những ngày RnR : sau hơn 10 ngày ở địa phương Phong Phú, chúng tôi mang theo những kỉ niệm và những nuối tiếc khi phải rời khỏi nơi gắn bó một thời gian không phải là ngắn. Trở về với Sài Gòn , tham quan những di tích, những cảnh quan của Sài Gòn, thưởng thức những hương vị thức ăn đường phố đặc trưng ở đây. Những ngày này phần nào giúp Steam hiểu thêm hơn về lịch sử Việt Nam, về chiến tranh ở Việt Nam và thêm yêu đất nước này hơn.

Chúng tôi tại Bảo tàng Chứng tích Chiến Tranh Việt Nam.
18/06/2016
Ngày tạm biệt Steam : kết thúc dự án với biết bao kỉ niệm và có cả những nỗi lo âu. Nhưng sau tất cả, chúng tôi đã học được rất nhiều thứ từ dự án này. Hiểu rõ hơn nữa về Service Learning, học cách thay đổi hướng nhìn một cách tích cực; truyền tải rộng rải những kinh nghiệm góp nhặt được sau mỗi ngày làm việc. Trước khi tạm biệt, chúng tôi trao tay những tờ note gửi gắm những cảm xúc có được sau cuộc hành trình, tặng nhau những món quà nho nhỏ đặc trưng của Việt Nam.

Trao nhau những tờ note và những món quà nhỏ.

Và còn rất nhiều những hoạt động, những kỉ niệm, những bức hình và cả những đoạn clip mà chúng tôi có được trong suốt cuộc hành trình 15 ngày vừa qua. Chúng tôi học được cách lắp đặt 1 túi biogas và hiểu được cách vận hành nó, biết thế nào để tiếp thêm nhiên liệu sưởi ấm cả hộ gia đình; biết thêm nhiều trò chơi , cách làm những vật dụng dễ thương bằng lá dừa từ bọn trẻ; thưởng thức nhiều món ăn ngon đậm chất miền Tây; kịp thức giấc để chộp được những khoảnh khắc đẹp nhất của buổi bình minh và ánh hoàng hôn; hiểu thêm được nhiều hoàn cảnh của những hộ gia đình cũng như những khó khăn mà họ đang phải đối mặt; thêm yêu những nụ cười giòn tan của bọn trẻ. Chúng tôi đến không chỉ đến để phục vụ cộng đồng mà được học rất nhiều thứ từ dự án này, thêm trân quý những chuyến đi vì những điều tốt và trân trọng những thứ nhỏ bé nhưng quý giá mà chúng tôi đã vô tình lướt qua.

Những cảm nhận về dự án.
Cảm nghĩ của TNV Phúc Thịnh :
Cảm nghĩ về một giấc mơ
Sau chuỗi ngày tham gia dự án 1611 tại Phong Phú, khi nhìn lại, tôi có cảm giác như người nằm mơ bừng tỉnh và tiếc nuối một giấc mơ quá đẹp đẽ, quá lung linh. 14 ngày dự án cũng chính là quãng thời gian vui vẻ, thoải mái, nhiều kỉ niệm nhất, ý nghĩa nhất, đáng giá nhất, ngủ ít nhất, học hỏi được nhiều nhất từ trước tới nay trong đời tôi.
Đây là lần đầu tiên tôi đã mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân để ngắm nhìn thế giới. Bản thân tôi là người không giỏi tiếng anh, ngại giao tiếp với người lạ, 21 năm trên đời đây là lần đầu tiên rời thành phố, rời cha mẹ và đi đến một miền quê bạt ngàn lúa nước, sống nửa tháng với những người hoàn toàn chưa quen biết, ăn ngủ làm việc cùng 25 con người không hề biết Tiếng Việt. Trước chuyến đi tôi đã lo lắng, cũng đã sợ hãi, bồn chồn vì hàng trăm khả năng cứ nảy nở trong suy nghĩ: liệu mình có thể hòa nhập, liệu mình có bị hắt hủi, làm sao mình có thể nói cho các bạn đó hiểu, liệu mình có bị cô lập, có bị bắt nạt, có xảy ra tai nạn…… Đã rất nhiều lần trong đời tôi, khi tôi tham gia vào một môi trường mới tôi cảm thấy bế tắc trong giao tiếp, cảm thấy mình thật cá biệt, e ngại. Và, sau 14 ngày dưới Phong Phú, Tôi đã không còn là tôi của ngày xưa nữa, tôi, vâng chính tôi, ưỡn ngực thẳng lưng, tự tin, tự hào, và ước ao, giá như mình tham gia sớm hơn, ngay từ năm nhất giá như tôi biết đến EVG, giấc mơ đã không chỉ ngắn ngủi như vậy.
Tiếp theo tôi xin gửi lời cảm ơn đầu tiên dành cho EVG đã cho tôi cơ hội được mơ, được sống, được trưởng thành, lời cảm ơn thứ hai tôi xin gửi tới một người đặc biệt, cũng là tình nguyện viên trong dự án 1611 đó là người bạn thân của tôi Hoàng Mai Anh, cám ơn mày đã giúp tao biết đến EVG, cám ơn mày đã rủ tao. Tiếp theo tôi xin gửi lời cám ơn đến V-team của dự án 1611, những con người độc nhất vô nhị, những con người đã đồng hành, giúp đỡ tôi và nay đã trở thành những người bạn của tôi. Tiếp theo tôi xin gửi lời cảm ơn đến 25 người bạn của tôi hiện đang theo học trường NTU tại Singapore, các bạn là những con người tuyệt vời, tôi tự hào được đồng hành cùng các bạn. Ngoài ra tôi cũng xin cảm ơn những người đã giúp đỡ, hỗ trợ chúng tôi trong suốt dự án: chú Thanh, chị Lý, anh Da, những anh dân quân và những anh chị tại địa phương đã giúp đỡ chúng tôi. Cuối cùng, tôi xin cám ơn chị Vy, bạn Trang bạn Linh và anh Hân, những người đã luôn sát cánh cùng chúng tôi.
Đây là lần đầu tiên tôi tham gia một dự án như thế này. Một dự án dài ngày tại địa phương. Trước dự án, tôi hoàn toàn bế tắc với những vấn đề trong cuộc sống, tức giận với cuộc sống hàng ngày, tức giận với cả bản thân và những người xung quanh. Tôi tham gia dự án vì nhiều lí dó, vì tôi muốn trải nghiệm, vì tôi muốn thoát ra khỏi lối mòn của cuộc sống hàng ngày, vì tôi muốn bứt phá, và vì tôi yêu công việc tình nguyện. Tuy nhiên dự án đã cho tôi nhiều hơn cả tôi mong đợi.
Ngày đầu tiên đón đoàn Singapore tại sân bay Tân Sơn Nhất, bao trùm tôi là cảm giác không yên, khi nhìn thấy 25 gương mặt xa lạ tôi hoàn toàn khớp và không biết phải làm gì, không biết làm sao có thể tồn tại, sống sót qua dự án đây, nhưng hóa ra sự thật luôn ít nghiêm trọng hơn trí tưởng tượng, đời thì đôi khi không như là mơ, và đôi khi cũng không thể ngờ. Trái ngược với vẻ mặt ban đầu là một thái độ vô cùng thân thiện và chủ động, là những cái bắt tay, những câu làm quen, những câu hỏi thăm, những cái vỗ vai, tôi cảm thấy tôi được tôn trọng, được quý trọng, được lắng nghe, các bạn Singapore đã lắng nghe tất cả những phát âm sai lệch, những ngữ pháp tùm lum, những ý tưởng rời rạc, những trò múa may diễn tả của tôi, các bạn đã cố gắng giao tiếp ngược lại với tôi, sử dụng từ ngữ đơn giản nhất có thể, cũng múa may, cũng diễn tả để tôi hiểu, các bạn cởi mở, chia sẻ và coi chúng tôi như những người cũng hội cùng thuyền. Tôi đã choáng ngợp, tôi đã bất ngờ khi các bạn quá thân thiện và chủ động, tôi đã vui mừng khôn siết và tôi đã thả cho mình trôi đi trong cái giấc mơ ngọt ngào đó. Còn gì hạnh phúc hơn khi bạn được là chính mình, bạn không còn phải suy nghĩ đắn đo xem liệu nói điều này có hợp ý người ta không hay đại loại vậy, tôi đã sống đúng với con người của mình, và tôi được chấp nhận, được quý mến. Các bạn nên thử cảm giác đó một lần, đáng giá lắm.
Không chỉ các bạn Singapore, những thành viên người Việt , những người dân dưới địa phương, cũng như những người xung quanh chúng tôi đều cư xử với tôi như vậy, không còn những lời quát tháo, không còn những câu khó chịu, không còn những cái cau mày. Như thể đột nhiên tất cả những người xung quanh bạn đều biến thành những người thân thiện và tốt tính. Tôi sướng đến nỗi thật khó để dập tắt nụ cười trên môi.
Về công việc, chúng tôi làm ba công việc chính đó là lắp đặt các túi Biogas, dạy học và làm việc nhà. Cả ba công việc đều hoàn toàn mới lạ với tôi, tôi chưa từng lắp túi Biogas, cũng chưa từng dạy học, và cũng chưa từng làm việc nhà chung với 3 bạn Singapore. Đối với tôi, mỗi công việc đều thú vị và đáng giá đến từng giây phút. Những ngày làm Biogas là những ngày được thỏa thích trong gió và nắng, thỏa thích ngắm nhìn mây trời đồng ruộng, đôi khi nếu may mắn còn được trò chuyện cùng chủ nhà, đôi khi còn được thưởng thức nước dừa xiêm ngọt lịm chín cây vừa mới hái từ những vị chủ nhà tốt bụng. Qua dự án tôi học được cách phân công công việc công bằng và chính xác giữa các thành viên trong nhóm.
Những ngày dạy học là những ngày đẹp đẽ, bạn cũng sẽ được thưởng thức nắng gió mây trời đồng lúa (cái điều mà hiếm thấy khó tìm nếu bạn có cuộc sống tại những thành phố). Những ngày dạy học là những ngày khản giọng vì ổn định lớp, và cũng khản vì hò hét vui cười. Tôi vẫn sẽ nhớ nhất là ngày đầu đi dạy, bạn cứ tưởng tượng đến cảm giác của một ca sĩ nổi tiếng được khán giả yêu thích thì sẽ hiểu được cảm giác của tôi, khi vừa đến nơi, những em học sinh từ trong lớp chạy ùa ra sân, reo hò nhảy múa, bạn sẽ thấy mình thật đặc biệt, mình được yêu mến, được chào đón. Cảm xúc dâng trào trong lòng, không kìm được và ai cũng sẽ nở một nụ cười tươi roi rói. Rồi bạn sẽ được các em qua tận chỗ ở để chơi cùng, được tặng quà, những món quà mà bạn có lật tung cả cái đất Sài Gòn lên cũng không kiếm ra. Tôi được tặng một chiếc nhẫn, một chiếc đồng hồ bằng lá dừa, tôi được các học trò của tôi dạy cho cách làm một chiếc nhẫn cực xịn như vậy, tôi được tặng 2 chiếc vòng, những dòng lưu bút và hàng tấn tình cảm của các em. Trẻ em yêu quý những anh chị thầy cô giáo, và những anh chị thầy cô giáo cũng gắn bó với các em. Lúc chia tay trở về Sài Gòn, không ít những giọt nước mắt đã rơi.
Làm việc nhà cũng có cái thú của nó, nhưng tôi vẫn thích nhất là khoảng thời gian thảnh thơi xong việc rồi nằm võng, nhâm nhi li café sảng khoái, và tuyệt nhất là thời gian gọt dưa hấu, chắc chả có ai gọt dưa hấu mà không lâu lâu “thử độc” một miếng nhỉ.
Trong ngày ngoài thời gian làm việc ra thì còn nhiều khoảng thời gian tuyệt vời khác như thời gian ăn cơm, thời gian sau bữa tối, thời gian tập culture night, thời gian reflection, và thời gian ngắm sao trời ,tâm sự dưới ánh nến lung linh lộng lẫy, tổ chức sinh nhật bất ngờ hay thời gian tắm.
Giờ ăn cơm là thời gian chính để các bạn làm quen với nhau, trao đổi, chia sẻ về văn hóa, con người và hàng tá những chuyện về nhau. Thời gian sau bữa tối là khoảng thời gian vui vẻ, mỗi ngày lại vui vẻ theo một cách khác, có hôm chơi bóng chuyền, có hôm học ké lớp teakwondo, có hôm thì chơi captain ball, có hôm chơi chơi bài saboteur, có hôm chơi bóng chuyền, có hôm chơi bài, có hôm chơi bài ma sói. Tôi chưa bao giờ cảm thấy lạc lõng hay bị cô lập. Những khoảng thời gian đẹp đẽ.thời gian tập Culture night là khoảng thời gian để các bạn sống thật, tung bay hay bung lụa thoải mái và không sợ ai dòm ngó, vì ai cũng bung lụa cả nên chả ai để ý đâu. Ngoài những khoảng khắc sôi động cũng có những khoảng khắc trầm lắng hơn, ấm áp hơn xảy đến. Những đêm ngồi bên ánh nến, những đêm reflection tới tận khuya mắt díp tịt lại. Đêm được ngắm sao là khoảng khắc đáng nhớ nhất, ngắm sao đối với tôi là một thứ xa xỉ khi 21 năm nay chưa một lần được thử, bạn sẽ cảm thấy trời thật cao, thật sâu, cảm thấy mình thật bé nhỏ, cảm thấy như cả vũ trụ đang ở trước mắt mình.
Ngoài thời gian ngủ ra, khoảng khắc nào trong ngày cũng đều có những kỉ niệm, đều có những điều mới cho bạn học hỏi.
Qua dự án tôi không chỉ có những kỉ niệm, không chỉ có những người bạn, mà tôi còn được nhiều hơn thế. Sau dự án, như tôi đã nói, tôi ưỡn ngực thẳng lưng, tự tin và tự hào, giờ đây tôi không còn ngại khi gặp bất cứ người lạ nào nữa, vì tôi biết nếu tôi có thể thân thiết với hơn 30 người lạ trong chỉ vỏn vẹn hơn 10 ngày thì tôi cũng có thể nói chuyện với bất cứ ai, chả có gì đáng sợ cả. Tôi cũng học được vai trò của việc lập Action plan và quản lý thời gian, bình thường một ngày của tôi chỉ kéo dài khoảng 8 tiếng thật sự hoạt động, nhiều khi một ngày tôi chỉ thật sự hoạt động 5 6 tiếng, nhưng trong sự án, một ngày của tôi kéo dài 18 tiếng và nếu không có action plan cụ thể chi tiết, làm sao có thể thống nhất được hơn 30 người để cùng hoàn thành được mục tiêu của ngày hôm đó.Và điều quan trọng nhất tôi học được đó là cuộc sống còn vô vàn vấn đề, còn vô vàn những con người đang ngày ngày đối mặt với những vấn đề khó khăn hơn bạn rất nhiều lần. Chính vì thế, cái tôi ghi nhận nhất sau dự án chính là thái độ của tôi đối với cuộc sống của tôi, giờ đây tôi không còn cảm thấy bế tắc với cuộc sống này nữa, không còn tức giận với bản thân nữa, vì tôi biết những vấn đề của tôi hàng ngàn người đã trả qua, hàng ngàn người đã vượt qua, và họ vẫn sống, vẫn hướng đến tương lai, vậy còn điều gì có thể ngăn bước chân tôi. Tôi cảm thấy tự tin và bình tĩnh. Có lẽ tôi đã trưởng thành hơn.
Giờ đây, khi đã kết thúc dự án, trong tôi có một chút buồn, có một chút hối tiếc, nhưng tôi biết, dù có thêm bao nhiều thời gian nữa đối với tôi vẫn là không đủ. Những kỉ niệm đẹp tôi không chỉ muốn giữ cho riêng mình. Tôi muốn bạn hãy thử một lần, tôi chắc chắn khẳng định bạn sẽ không hề hối tiếc.
Cảm nghĩ của TNV Mai Anh:
Dự án đã kết thúc được hơn một tuần và đọng lại trong tôi biết bao cảm xúc. Đầu tiên là những ngày chạy đua với deadline khi action plan, culture night, guidebook đều chưa đâu vào đâu. Lúc đó, mọi người cũng chỉ mới quen biết nhau, còn chưa thật sự thân thiết nhưng tất cả vẫn cố gắng làm với hi vọng rằng dự án sẽ diễn ra tốt đẹp. Thời gian đó cũng chính là thời điểm mà tôi đang thi. Công việc thì nhiều cộng thêm áp lực từ chính bản thân mình, đã có lúc tôi muốn từ bỏ. Nhưng khi bình tĩnh ngồi suy nghĩ, tôi thấy mình thật yếu đuối. Chỉ vì những khó khăn nhỏ đó mà từ bỏ thì tôi còn làm được gì nữa. Với chính những suy nghĩ ấy, tôi lại tự vực dậy tinh thần mình và tiếp tục cố gắng. Tôi không cô đơn. Tôi còn có những người bạn V-team đồng hành với mình. Lúc đó, mọi người cũng mới quen biết nhau, còn chưa thực sự thân thiết nhưng tất cả đều đồng lòng cố gắng vì một dự án diễn ra suôn sẻ. Những buổi họp kéo dài từ sáng đến chiều, những buổi tập culture night không làm chúng tôi nản chỉ. Ngược lại, sự hào hứng của mọi người ngày càng tăng lên. Chính những con người đó đã cổ vũ tinh thần cho tôi. Tôi dần quen với sự bận rộn và cảm thấy đó cũng là niềm vui của mình khi mỗi ngày đều có việc để làm và giải quyết. Đây là lần thứ hai tôi tham gia dự án. Với những nuối tiếc từ dự án trước khi tôi cảm thấy mình đã không làm được gì nhiều cho dự án cũng như đã bỏ qua cơ hội kết thân với những người bạn mới vì bản tính nhút nhát của mình – tôi quyết định tham gia dự án “At our best” này. Mang theo niềm hi vọng mình sẽ học hỏi và phục vụ hết mức, xóa bỏ những điểm yếu còn tồn tại trong mình.
Rồi dự án cũng chính thức bắt đầu. Mọi thứ hoàn toàn khác so với những gì tôi tưởng tượng. Công việc khác, con người khác, nơi ở khác và ngày nào cũng đầy những vấn đề cần giải quyết. Những buổi reflection cảm tưởng như không bao giờ kết thúc khi vấn đề này luôn phát sinh thêm hàng ngàn vấn đề khác. Tôi đã nói với bạn tôi rằng reflection là thứ tôi sợ nhất khi tham gia dự án . Tuy nhiên, tôi phải đối diện với nỗi sợ đó hàng ngày và cũng chính từ đó mà tôi đã học được bao nhiêu điều. Từ những mâu thuẫn với S-team, những khó khăn trong công việc hay chỉ là những khúc mắc của bản thân mình – tôi đều có thể chia sẻ trong những buổi reflection. Rồi công việc cũng dần dần ổn định. Tôi quen được những người bạn mới, những công việc mới khiến tôi hứng thú.
Những công việc chính trong dự án là lắp biogas, dạy học, và làm việc nhà. Tôi thực sự rất thích công việc xây dựng nên đã rất mong ngóng việc xây lắp biogas. Nhưng ngày đầu tiên đi làm, mọi việc khác hẳn những gì tôi đã tưởng tượng. Công việc vất vả hơn tôi nghĩ. Đào đất khiến tôi đuối sức. Nhưng sao tôi lại vui khi làm công việc đó. Thật sự đã lâu lắm rồi tôi mới đổ mồ hôi nhiều như vậy, cũng đã lâu lắm rồi tôi mới vận động nhiều như vậy. Nhưng hơn đó là sự nhiệt tình của người dân. Họ sẵn sàng đào hố cùng chúng tôi mặc dù điều đó không cần thiết, họ kể cho tôi nghe những câu chuyện đồng quê và chặt dừa cho chúng tôi uống. Sự thân thiện và nhiệt tình của họ khiến tôi cảm động và cũng biết ơn nữa. Tôi biết ơn họ vì đã đánh thức trong tôi sự đồng cảm, sự sẻ chia mà bấy lâu nay tôi đã bỏ quên. Còn đối với việc dạy học. Cũng cực nhọc không kém khi lớp học có đủ mọi lứa tuổi, mọi cấp độ và lũ nhóc thì quậy tưng bừng. Tôi đã được mọi người cảnh báo rằng lũ nhóc rất quậy, phải nghiêm chứ không tụi nó sẽ ồn ào không chịu học. Ngày đầu tiên diễn ra đúng như những gì mọi người nói. Lũ nhóc rất ồn ào và chạy khắp nơi. Nhưng với những kinh nghiệm mà mọi người chia sẻ, cuối cùng chúng tôi cũng đã điều khiển được lớp. Qua thời gian, khi tiếp xúc nhiều với bọn trẻ thì cái suy nghĩ tụi nhỏ quậy phá hoàn toàn biến mất. Những đứa nhỏ ấy rất giàu tình cảm. Chính những đứa nhỏ ấy đã mang chúng tôi trở về tuổi thơ. Lũ nhóc ấy đã cho chúng tôi tình yêu thương trong trẻo. Càng ngày, tụi nhỏ càng gắn bó với chúng tôi. Chúng đến ủy ban chỉ để gặp chúng tôi, chỉ để nói chuyện hay cùng chúng chơi. Mỗi lần chúng gọi tôi hay chạy đến ôm tôi, lòng tôi biết ơn vì những gì chúng mang lại cho tôi còn nhiều hơn gấp nhiều lần tôi đã mang lại cho chúng. Chúng tặng chúng tôi những món quà giản dị như vòng tay lá dừa, tờ tiền gấp hình trái tim… những món quà chứa đựng đầy tình yêu thương. Còn housekeeping ư? Công việc nặng nhọc nhất dự án Tôi thích những thời gian mà mọi người ở cùng nhau rửa chén, nhặt rau hay chỉ đơn giản là tám những câu chuyện trên trời dưới đất.
13 ngày ở địa phương, tôi đã nhận biết được một số những vấn đề mà người dân ở đây gặp phải. Từ vấn đề về nước, môi trường sống cho đến điều kiện đi học của lũ nhỏ. Khi tôi đi thăm hộ dân, tôi cảm thấy buồn và bất lực khi không thể giúp gì cho họ. Những con người sinh ra trong khốn khó không thể thoát ra cảnh bần cùng. Tôi nhận ra những vấn đề mà họ gặp phải nhưng lại không thể làm gì. Tôi buồn khi lũ trẻ của chúng tôi không được học trong một môi trường tốt hơn mà đáng lẽ chúng xứng đáng được hưởng. Qua những gì tôi gặp khi ở địa phương, tôi trân trọng hơn những gì mình đang có và tự nhủ rằng phải cố gắng hơn nữa cho những gì tôi muốn làm sau này. Đặc biệt là cho lũ nhỏ. Tôi mong muốn có thể làm một việc gì cho chúng.
Đã lâu lắm rồi tôi mới được trở về sống ở nơi bình dị với cánh đồng lúa bạt ngàn, bầu trời đầy sao và những con người giản dị nhưng tuyệt vời. Được sống cùng với 30 con người với những tính cách khác nhau thật sự rất tuyệt. Trước khi vô dự án, tôi đã sợ rằng tính cách nhút nhát sẽ khiến tôi khó khăn trong giao tiếp với mọi người nhưng khi nhớ lại chính sự nhút nhát đó đã khiến mình khổ sở như thế nào trong dự án trước, tôi mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn. Ban đầu là những câu hỏi ngượng ngùng, sau đó là những cuộc trò chuyện thú vị. Và tôi hào hứng khi nhận ra rằng, mình đã có sự thay đổi, tuy không nhiều nhưng cũng có sự khác biệt. Tôi thay đổi, không chỉ ở trong tính cách mà còn cách làm việc. Tôi học cách sắp xếp thời gian, giải quyết vấn đề và hơn nữa là học cách quản lí từ những người có kinh nghiệm. Tôi học cách chấp nhận sự khác biệt. Ban đầu, tôi thất vọng khi mọi việc không được suôn sẻ xuất phát từ những suy nghĩ khác biệt. Qua thời gian, tôi dần nhận ra rằng không thể giải quyết được chuyện gì nếu tôi không đặt bản thân vào vị trí của người khác, thấu hiểu những suy nghĩ của họ và chấp nhận sự khác biệt.
Qua dự án, tôi đã học được rất nhiều từ những người dân địa phương, đồng đội V-team, S-team và từ chính bản thân mình nữa. Tôi nhận ra, trước giờ mình thật sự chưa biết gì hết. Cuộc sống quanh tôi chỉ là học, chơi và làm. Tôi chưa dừng lại lần nào để nhìn lại bản thân muốn gì, nhìn ngắm xung quanh coi có biết bao nhiêu điều tuyệt vời. Tôi yêu những khoảnh khắc khi V-team cùng nhau ngắm sao, hát hò hay cùng S-team ngắm mặt trời mọc. Chỉ là những điều giản dị thôi nhưng đó là những kỉ niệm ngọt ngào nhất. Còn những bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, mọi người ngồi quây quần bên nhau vừa ăn vừa trò chuyện. Chỉ là những hỏi thăm nhau hôm nay làm việc thế nào, dạy cho nhau tiếng nước mình cũng đã đủ vui rồi.
Tôi cảm ơn V-team của mình. Tôi thật sự biết ơn Vy – người chị lớn hơn vài tháng tuổi nhưng lối suy nghĩ lại lớn hơn tôi vài năm. Những lần tôi có khúc mắc, Vy đều giải quyết một cách thấu đáo khiến tôi tâm phục khẩu phục. Có những lần tôi cảm thấy khó chịu với S-team, Vy cũng là người giải thích chi tiết, chỉ tôi những cách giải quyết mà tôi không thể nghĩ ra. Có những câu nói của Vy làm tôi thấm thía và phải suy nghĩ. Tôi cảm ơn chị Khuê, chị Thy, Hà và Thịnh. Những người đồng đội đã cùng sát cánh bên tôi trong suốt dự án. Một team không hoàn hảo nhưng lại bù đắp cho nhau. Được gặp mọi người, những cá nhân có cá tính khác nhau, mỗi người đều có những hi vọng riêng gửi gắm vào dự án này, là một điều may mắn đối với mình. Ở mỗi người, mình lại có thể học được những điều khác nhau từ tính cách cho đến cách làm việc. Thật sự cám ơn mọi người. Cảm ơn chị Lý, chú Thanh, anh Da, anh Thảo và những người dân địa phương. Những người đã giúp chúng tôi rất nhiều khi chúng tôi ở địa phương. Nếu không có họ, chúng tôi đã không thể hoàn thành dự án một cách tốt đẹp. EVG đã mang tôi đến dự án này, đã trao cho tôi cơ hội được phục vụ và học hỏi. Và tận đáy lòng, tôi cảm ơn về điều đó.
Dự án đã kết thúc được hơn 1 tuần và tôi vẫn chưa quen với việc không có gì để làm. Ở Phong Phú luôn dậy đúng giờ, ăn đúng bữa và ở chung với 30 con người – tôi đã quen với việc đó. Khi về lại thành phố thì lại cảm thấy trống trải.
Cám ơn dự án đã mang lại cho mình những bài học quý giá, những cảm xúc đa dạng cùng với những người bạn đáng mến. Hành trình của mình sẽ tiếp tục và biết đâu được sẽ lại đồng hành cùng dự án thêm một lần nữa. Cám ơn!
Cảm nghĩ của TNV Hải Hà:
Lời đầu tiên, em muốn cảm ơn đến chị Khuê, chị M.Anh, chị Trang, chị Vy, và anh Thịnh về những lời khuyên và đã luôn đồng hành cùng em trong suốt dự án này.
Khoảng thời gian ở Trà Vinh giúp em gặp được rất nhiều người tốt, như chị Lý, thỉnh thoảng cho em ăn mấy thử mấy món đặc sản và luôn đảm bảo khẩu phần ăn của mọi người trong suốt dự án, chị Định, người đã động viên em khi biết đây là lần tiên em làm MC, hay mấy em cấp ba trong lớp võ và người dân ở đây luôn chào đón em và một số bạn từ trường Công nghệ Nanyang.
Thêm vào đó, dạy học là một công việc tuyệt vời. Em thích thái độ học tập của các em nhỏ ở đây, hay tò mò và đặt câu hỏi. Tụi nhỏ còn làm tặng em rất nhiều quà, như thiệp, bảng tên, đồng hồ hay nhẫn từ lá dừa,…. để bày tỏ sự yêu mến và kính trọng đối với em. Những điều này thật sự làm em rất cảm động.