S1 A Simple Wish Arup

“A Simple Wish Arup” là một trong những chuỗi dự án mà ECO Vietnam Group đã thực hiện được trong năm 2014. Dự án hoàn thành như mong đợi dưới sự hợp tác của Công ty ARUP- Singapore trong khoảng thời gian từ 28/5/2014- 01/06/2014 tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Chúng tôi đã hoàn thành tốt mục tiêu ban đầu đề ra đó là tráng xi mang 900m2  sân trường tiểu học cho các em. Không giống như những dự án OCIP khác, dự án S1 diễn ra trong thời gian ngắn nhưng vẫn đem lại hiệu quả đáng kinh ngạc. Chúng tôi đã mang kiến thức đến cho các em nhỏ qua những bài giảng sinh động, giúp các em mạnh dạn hơn trong giao tiếp và chủ động trong học tập. Bên cạnh những hoạt động dạy học, dự án còn có đêm hội giao lưu văn hóa- là nơi để mọi người có thể trao đổi học hỏi lẫn nhau và thỏa sức thể hiện những tài lẻ của bản thân như ca múa hát, diễn kịch và kể chuyện. Những hoạt động này đã vô tình kéo mọi người lại gần nhau hơn, giúp các em thiếu nhi cũng như các bạn sinh viên tham gia hiểu hơn về văn hóa con người Việt Nam mình và cũng để gắn kết các bạn Singapore với người Viêt mình. Đồng hóa giữa những tâm hồn xa lạ để hiểu nhau hơn.1390763_10152427606970977_2774867705015555156_n

EVG vẫn luôn giữ quan điểm về “tình nguyện” khi thực hiện bất kỳ dự án nào. Chúng tôi không đơn thuần là đi để cho, để ban phát. Chúng tôi đi là “cho và nhận”, để học hỏi từ những người chúng tôi gặp. Vâng vẫn là lối suy nghĩ đó, chúng tôi đã tổ chức chuyến viếng tham, tặng quà và trò chuyện thân mật với người dân nơi này để các bạn sinh viên tự cảm nhận rồi viết nên suy nghĩ bản thân.

10260014_10152427599980977_1346771628264795022_n (1) 10435415_10152427601130977_6653632606524603176_n

Có thể thấy  được giá trị mà dự án mang đến cho cộng đồng. Không chỉ giúp những em nhỏ có mảnh đời khó khăn mà còn rèn luyện kỹ năng mềm  hữu ích cho các bạn sinh viên, tạo cơ hội để các bạn tiếp cận trực tiếp với mô hình Service Learning và tạo tinh thần đoàn kết với các bạn quốc tế.

ECO Vietnam Group hi vọng rằng trong thời gian tới có thể  hợp tác với rất nhiều bạn sinh viên hơn nữa để cùng nhau xây dựng một đất nước đẹp.

7605_10152428739375977_4431055413175221173_n

EVG mang mô hình Service Learning đến với các bạn Sinh viên Hoa Sen

Trường đại học Hoa Sen hiện nay đã có một trung tâm về Service Learning. Đây là một việc rất đáng mừng bởi phương pháp này như còn xa lạ với các trường đại học và trung tâm ở Việt Nam tuy nó là một phương pháp được Mỹ và các nước phát triển áp dụng từ rất lâu, và vinh dự hơn nửa là anh Văn Anh của ECO Vietnam Group lại là người nhận được vinh dự được mời về làm giám đốc của trung tâm này. Anh Văn Anh đã đem những kiến thức về Service Learning từ những năm học đại học từ Singapore, từ những lần tham dự các diễn đàn thế giới về tuổi trẻ như ở Hong Kong, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Indonesia. Truyền đạt lại cho những bạn trẻ đang học tập tại trường đại học Hoa Sen.

10665056_850892834929232_420267003800206696_n

Các bạn sinh viên tại đây rất năng động và xem Service Learning như một phương pháp chiến lược và lần lượt thành lập các nhóm, đội tìm hiểu về phương pháp mới này. Anh Văn Anh hướng dẫn cho các bạn biết thế nào là Service Learning và hiểu như thế nào là đúng với phương pháp này.

10686838_850892921595890_3556905353851527361_n

Nhiều nhóm đã lên kế hoạch thực hiện những dự án Service Learning của chính mình và nhờ anh Văn Anh tư vấn thêm để hiểu sâu và hiểu đúng phương pháp học, học làm sao cho đạt hiệu quả. Các bạn đã tự gây quỹ và thực hiện dự án tại các mái ấm, nhà mở, trung tâm khuyết tật, làm dự án ở nơi xa hơn như xã Tà Nung, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Sau những dự án như thế sẽ có phần các bạn chia sẻ với nhau. Tại đây, các bạn sẽ chia sẻ với nhau những gì mình học được thông qua dự án, điều gì làm được và chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc, điều kiện bị thay đổi phải thích nghi và hòa hợp với mọi thứ xung quanh. Các bạn sẽ học được những bài học về giá trị của cuộc sống, cách liên kết những bài học với cuộc sống hiện tại và những người xung quanh.

Mọi người cần phải nói lên những gì mình học được, cách của mình nhìn nhận về vấn đề đó ra sao, và hơn hết là phải NGHĨ về những gì mình LÀM, đó là cách mọi người để hiểu và học tập từ cộng đồng.

1496624_10152798662675977_8473601753240373857_n

10149836_850892884929227_8287377669399707674_n 10378925_757880454290356_8731156093125849049_n

10629615_850892734929242_2918598562864025685_n

Sau những buổi học như vậy, anh Văn Anh khuyến khích các bạn tự trau dồi thêm kiến thức của mình về các lĩnh vực để mạnh kiến thức chuyên ngành, biết các kiến thức cần thiết về Service Learning trên thế giới để có thể hoạt động có hiệu quả và mang lại nhiều kết quả cho cộng đồng hơn nửa.

Trung tâm về service learning này từ khi được thành lập đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhóm sinh viên và các giảng viên, các cô, thầy luôn quan tâm hỏi thăm tỉ mỉ nhiều việc, quá trình và cảm nhận của các bạn sinh viên. Có thể nói đây là tín hiệu vui khi phương pháp này được sinh viên đón nhận một cách niềm nở. Trên trang thông tin của Service learning tại đại học Hoa Sen liên tục cập nhật tình hình học tập và chia sẻ của các bạn và tuyển nhân sự cho các dự án của các bạn dưới sự trợ giúp của thầy cô trong đó có anh Văn Anh.

Hi vọng một ngày không xa Service Learning sẽ là phương hướng học tập chủ yếu của sinh viên và các trường đại học tại Việt Nam, thông qua đó các địa phương còn nghèo cần sự giúp đỡ trên khắp Việt Nam sẽ được bàn tay cộng đồng lan tỏa đến khắp mọi vùng miền.10660153_850892984929217_3937502571078049045_n

EVG tham gia Conference tại Hong Kong

IMG_6631

Service learning tuy còn lạ lẫm ở Việt Nam nhưng tại các nước bạn, mô hình này đã phát triển rất mạnh mẽ và sâu rộng tại các trường đại học. Mới đây, trường đại học Hong Kong Polytechnic University đã tổ chức hội nghị trao đổi về service learning của các trường đại học tại các quốc gia với hàng trăm giáo sư, tiến sĩ, chuyên viên về phương pháp này trên thế giới.

IMG_6748

Hội nghị này được tổ chức định kì 2 năm một lần, và năm nay với tên gọi là: The Second Summit on University Social Responsibility Cum Inaugural International Conference on Service – Learning,  nhằm chia sẻ những nghiên cứu và kinh nghiệm của mình về service learning. Tại đây, các giáo sư và chuyên viên nghiên cứu mô hình này tại các trường đã trao đổi với nhau về những thuận lợi, khó khăn và những lưu ý khi dạy học theo cách này để phát triển đúng điểm mạnh của phương pháp.

Nội dung được nói nhiều nhất của lần hội nghị năm nay đó chính là chia sẻ trách nhiệm xã hội của trường học cho cộng đồng. Mục tiêu của các trường phải nhắm tới đào tạo sinh viên vừa giỏi kiến thức chuyên ngành, vừa có trách nhiệm xã hội. Trường học phải có nhiều hoạt động liên quan tới công tác xã hội cho sinh viên và giảng viên để rèn luyện ý thức về các vấn đề xã hội và sử dụng mục tiêu đó hướng tới sự phát triền bền vững của con người và xã hội.

IMG_6766

Toàn hội nghị hướng tới một mục tiêu chung đó là phát triển mô hình service learning lớn mạnh thông qua những chia sẻ và gặp mặt giữa các giáo sư, trường đại học, tổ chức phi chính phủ qua đó học tập lẫn nhau những kinh nghiệm quý báu.  Các chương trình Overseas Service Learning tiếp tục được đẩy mạnh tại khắp các nơi trên thế giới, không phân biệt sắc tộc, rào cản ngôn ngữ, thiếu thốn vật chất.

ECO Vietnam Group vinh dự là một trong hai tổ chức phi chính phủ/phi lợi nhuận được mời tham gia hội nghị lần này, qua đó để khẳng định lại hướng đi của EVG là đúng đắn, mang tới những giá trị thiết thực cho sinh viên và cộng đồng, tiếp tục là tổ chức đi đầu về service learning ở Việt Nam. Bản thân EVG củng đã được các trường đại học tại Hong Kong, Đài Loan, Mỹ liên hệ để có thể thực hiện service learning tại Việt Nam trong tương lai. Lần tham dự hội nghị này đối với bản thân EVG giống như là sự công nhận quá trình hoạt động không mệt mỏi để hướng tới những giá trị thiết thực nhất cho cộng đồng và xã hội.

10950218_10203344926329530_372902441_n

Bên lề của hội nghị, EVG còn dành chút thời gian để đến với cuộc biểu tình đòi dân chủ của các bạn sinh viên tại Hong Kong để biết được tình hình các bạn trẻ tại đây đang sống và đấu tranh như thế nào.

1311 – DỰ ÁN WATER OF LOVE

DỰ ÁN NƯỚC SẠCH WATER OF LOVE

7/10/2013-11/10/2013

Tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

 Dự án nước sạch Water of Love là dự án kết hợp giữa EVG và nhân viên công ty Arup (Singapore), được thực hiện tại xã An Hiệp, xã nghèo nhất thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.  Do vị trí điạ lý, nguồn nước ở khu vực xã An Hiệp bị nhiễm phèn nhiễm mặn, khiến cho công việc đồng áng cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân gặp rất nhiều khó khăn, Ngay cả nhà máy nước địa phương cũng chỉ cung cấp được 1/3 nhu cầu nước dùng của người dân và nước này cũng không đủ sạch cho việc nấu nướng . Do đó, nguồn nước sạch duy nhất ở nơi đây chính là nước mưa. Có thể nói những bể chứa nước mưa to chính là vị cứu tinh của người dân nơi đây vào mùa khô

Hiểu được tầm quan trọng của các bể chứa nước mưa với người dân xã An Hiệp, trưa ngày 7/10, chúng tôi, 8 tình nguyện viên (TNV) Singapore với các quốc tịch khác nhau và 3 TNV ECO Vietnam Group đã tụ họp lại tại mảnh đất An Hiệp, xã nghèo nhất của huyện thuộc tỉnh Bến Tre với một mong muốn chung, đó là góp ít sức của mình xây dựng lên những bể chứa nước mưa cho các hộ nghèo trong xã.  Bên cạnh đó,chúng tôi cũng muốn mang lại những giờ học Tiếng Anh vui vẻ cho các em thuộc trường tiểu học An Hiệp và mang tặng những phần quà thiết thực cho các hộ nghèo. 12 bể chứa nước hoàn chỉnh, 6 lớp học tiếng Anh bổ ích trong 3 ngày, đến thăm hỏi, tặng quà 3 hộ nghèo chính là nhiệm vụ chúng tôi phải hoàn thành trong chuyến đi lần này xuống dưới An Hiệp.

Sau ngày đầu tiên gặp mặt uỷ ban xã và nghỉ ngơi , sang ngày thứ hai, chúng tôi đã bắt tay ngay vào công việc. 11 TNV chúng tôi chia làm 3 đội, 2 đội đi xây, 1 đội ở lại trường tiểu học lo việc dạy học cũng như nấu ăn cho cả nhóm và công việc sẽ được hoán chuyển giữa các nhóm vào những ngày sau. Người thì hào hứng xem những hình ảnh con thú, tư liệu giảng dạy cho lớp tiếng Anh, người thì cầm xẻng, cầm nón, tất cả đều sẵn sàng cho những thử thách trong 3 ngày sắp tới.

Thế nhưng, công việc đã không dễ dàng như chúng tôi tưởng tượng, nhất là việc xây dựng bể chứa nước. Chỉ sau 15’ cuốc đá, cát vào thùng, rồi trộn xi măng, rồi bê vác, chúng tôi, những người chỉ quen làm việc với cái máy tính, giấy tờ, đã ướt đẫm mồ hôi, thở dốc. Để động viên nhau, chúng tôi nói đùa với nhau rằng “ We have very meaningful free gym 😀 ” ( tạm dịch: Chúng ta đang được tập thể dục vừa miễn phí vừa có ích” ).  Đến buổi chiều và những ngày sau đó, chúng tôi đã quen dần với công việc và biết cách kết hợp với nhau để thực hiện công việc hiệu quả hơn.

Công việc cũng dường như bớt mệt hơn khi chúng tôi được chính những gia đình chúng tôi đang xây bể nước cho mang cho chúng tôi những cốc nước, nước dừa, rau câu dừa, mứt dừa tự tay làm. Các ông, các bà , các dì, các chú luôn miệng cảm ơn chúng tôi vì đã xây cho họ bể nước. Có dì bảo “Không có gì để cho lại mấy con hết” , nhưng với chúng tôi, sự vui mừng của các hộ gia đình khi có bề nước cũng như  lợi ích mà một bể nước được xây chắc chắn sẽ mang lại cho họ chính là món quà lớn nhất mà chúng tôi đã và mong sẽ nhận lại được.

Với những người ít động đến công việc tay chân nay phải một ngày 4 tiếng làm bạn với cuốc xẻng, đất đá, mệt mỏi, đau nhức vẫn là điều không tránh khỏi, nhưng không ai than vãn một lời. Điều tất cả chúng tôi quan tâm là “ Liệu chiều nay trời có mưa không?”, “ Trưa trời mưa to thế này rồi tí nữa có tạnh để cho chúng ta làm việc không?”, “ Chúng ta có nên dậy sớm, làm sớm để hoàn thành 4 cái bể trước khi trời mưa không?”. Và thật may mắn, dường như ông trời hiểu được điều chúng tôi lo lắng. Dù 3 ngày làm việc đã đến 2 hôm mưa to nhưng trời luôn quang tạnh, nắng đẹp mỗi khi chúng tôi bắt đầu làm việc. 2 bể chứa nước 1 buổi, 12 bể chứa nước trong 3 ngày, tất cả đều đã đươc hoàn thành như đúng dự kiến.

Công việc dạy học, tưởng chừng như dễ dàng hơn, vui hơn nhưng cũng có những “cái khổ” riêng.  “Cái khổ” ở đây là các em quá năng động, quá thích chơi đùa với các anh chị từ nơi khác đến thăm  ^^. Trong giờ học, các em nhao nhao giơ tay đòi trả lời, làm chúng tôi phải nhức óc nghĩ xem nên chọn em nào để cho em nào cũng được nói, được quà. Bên cạnh đó, cũng có một số em nhút nhát, im lặng trong lớp.  Chúng tôi cũng phải để ý, khuyến khích, thậm chí đẩy các em lên trước lớp để nói. Thật vui là các em cũng rất ngoan, nghe lời chúng tôi, vất bỏ sự nhút nhát của mình để tích cực tham gia vào lớp học. Như cô Phước, hiệu trưởng trường, đã nói “Những dịp như thế này là cơ hội tốt cho các em vì cô để ý những em nào đã được tiếp xúc với các anh chị nước ngoài thì sau này sẽ rất dạn dĩ trong việc học và cuộc sống”. Chung một suy nghĩ với cô, chúng tôi cũng mong qua những giờ học Anh văn tuy ngắn ngủi nhưng cũng phần nào giúp các em trở nên tự tin hơn và tìm thấy niềm vui qua việc học.

Nhưng điều làm tất cả chúng tôi vui nhất trong suốt 4 ngày ở trường tiểu học An Hiệp 1 không phải là trình độ tiếng Anh của các em mà chính là sự ngây thơ, vui tươi, ngoan ngoãn của các em. Dù không nói chung một ngôn ngữ nhưng các em chào mừng chúng tôi như những người thân trong gia đình. Cứ đến giờ ra chơi là các em lại ùa đến chỗ chúng tôi đang ngồi nghỉ. Các em kéo ghế ngồi quanh chúng tôi, nhìn chúng tôi với ánh mắt thích thú, rồi các em tập trung suy nghĩ , hỏi chúng tôi tên, tuổi… dù chỉ bằng những từ tiếng Anh phát âm chưa được chỉn chu, câu có chữ được chữ không. Các em bằng mọi cách kéo các cô chú người nước ngoài ra sân chơi, không rủ được thì lại chạy đi kiếm TNV người Việt để dịch cho các cô chú ấy rằng “ Cô ơi, cô kêu mấy cô chú nước ngoài ra chơi với bọn con”. Rồi đôi khi các em lại mang cho chúng tôi những điều vô cùng bất ngờ. Có em chạy ra tặng cho Christelle (1 TNV Sing) một cây kẹo mút, một lát sau lại tặng cho Christelle và Ciying ( 1 TNV Sing) 2 bức tranh. Có em cho chúng tôi 3 viên kẹo C. Có em cuối giờ học, rút từ hòm bàn một chum hoa giấy em tự làm, chạy lên tặng Ciying. Những món quà tuy nhỏ, nhưng tôi tin lại như là gia tài đối với các em nhỏ ở vùng quê sâu xa, vậy mà các em tặng cho chúng tôi không ngần ngại.

Các em còn rất ngoan, nói năng rất lễ phép. Dù chúng tôi chỉ là những TNV, đứng lớp trong đúng 1 tiếng đồng hồ nhưng các em vẫn khoanh tay “ Dạ, thưa cô, thưa thầy”, và đồng loạt đứng nghiêm chào và cám ơn chúng tôi trước và sau buổi học “ Hello, teacher”, “ Thank you, teacher”. Chỉ trong một giây lát ngắn ngủi ấy mà các em khiến chúng tôi cảm thấy công việc mình làm thật vô cùng có ý nghĩa.  Bên cạnh đó, các em khiến cho chúng tôi suy nghĩ phải làm sao để đảm bảo được việc học cho các em vì những đứa bé với nhân cách tốt thế này, nếu được học hành đến nơi đến chốn sẽ làm thay đổi An Hiệp, sẽ làm An Hiệp bừng sáng hơn mai này!

Ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi đi tới thăm và trao gạo và một ít bánh, muối, đường cho 3 hộ nghèo của xã. Những căn nhà nằm ở trong những ngóc ngách xa xôi, và cuộc đời của những con người sống trong 3 căn nhà đó cũng nhiều nỗi niềm, trắc trở như chính đường đi tới căn nhà của họ vậy. Cả 3 đều là những cụ ông, cụ bà đã qua tuổi 80, cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, chăm sóc thì đây họ vẫn còn nhiều lo lắng cho chính số phận của họ, và của cả con cháu. Chỉ đúng lúc này, tôi ước chúng tôi có nhiều thời gian hơn, các TNV Singapore có thể nói và hiểu được tiếng Việt để chúng tôi có thể lắng nghe họ nói thật nhiều và nhiều như là một cách chia sẻ với những nỗi niềm, lo âu về cái nghèo cái khổ mà họ không có nhiều dịp để tâm sự với ai. Bước ra khỏi nhà, tâm trạng chúng tôi thật nặng trĩu, nhưng lâu lâu lại thấy vui khi biết được sắp tới họ lại tiếp tục nhận được sự trợ giúp từ xã để cuộc sống bớt khăn hơn.

Sau gần 5 ngày ở tại An Hiệp, chúng tôi lên xe về lại TP. Hồ Chí Minh.  Không ai nói với ai nhưng tôi tin chúng tôi đã được nhiều trải nghiệm và học được nhiều bài học từ chính mảnh đất An Hiệp và con người nơi đây. Chúng tôi đã phải vượt qua những giới hạn của bản thân, thử thách mình với những thứ chưa bao giờ làm để mang tới những điều tốt đẹp hơn cho người khác. Chúng tôi đã nhận ra rằng cái thứ tình cảm chân phương giữa người với người là thứ đẹp dẽ nhất, có thể xoá nhoà khoảng cách giàu nghèo, ngôn ngữ.  Có thể sau này, không ai nhớ tới số tiền phải bỏ ra để xây bể nước, để mua những bộ dụng cụ học tập nhưng cái tấm lòng mà tất cả chúng tôi, những TNV và người dân An Hiệp, trao cho nhau sẽ còn được nhớ đến mãi.