1311 – DỰ ÁN WATER OF LOVE

DỰ ÁN NƯỚC SẠCH WATER OF LOVE

7/10/2013-11/10/2013

Tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre

 Dự án nước sạch Water of Love là dự án kết hợp giữa EVG và nhân viên công ty Arup (Singapore), được thực hiện tại xã An Hiệp, xã nghèo nhất thuộc huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.  Do vị trí điạ lý, nguồn nước ở khu vực xã An Hiệp bị nhiễm phèn nhiễm mặn, khiến cho công việc đồng áng cũng như cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của người dân gặp rất nhiều khó khăn, Ngay cả nhà máy nước địa phương cũng chỉ cung cấp được 1/3 nhu cầu nước dùng của người dân và nước này cũng không đủ sạch cho việc nấu nướng . Do đó, nguồn nước sạch duy nhất ở nơi đây chính là nước mưa. Có thể nói những bể chứa nước mưa to chính là vị cứu tinh của người dân nơi đây vào mùa khô

Hiểu được tầm quan trọng của các bể chứa nước mưa với người dân xã An Hiệp, trưa ngày 7/10, chúng tôi, 8 tình nguyện viên (TNV) Singapore với các quốc tịch khác nhau và 3 TNV ECO Vietnam Group đã tụ họp lại tại mảnh đất An Hiệp, xã nghèo nhất của huyện thuộc tỉnh Bến Tre với một mong muốn chung, đó là góp ít sức của mình xây dựng lên những bể chứa nước mưa cho các hộ nghèo trong xã.  Bên cạnh đó,chúng tôi cũng muốn mang lại những giờ học Tiếng Anh vui vẻ cho các em thuộc trường tiểu học An Hiệp và mang tặng những phần quà thiết thực cho các hộ nghèo. 12 bể chứa nước hoàn chỉnh, 6 lớp học tiếng Anh bổ ích trong 3 ngày, đến thăm hỏi, tặng quà 3 hộ nghèo chính là nhiệm vụ chúng tôi phải hoàn thành trong chuyến đi lần này xuống dưới An Hiệp.

Sau ngày đầu tiên gặp mặt uỷ ban xã và nghỉ ngơi , sang ngày thứ hai, chúng tôi đã bắt tay ngay vào công việc. 11 TNV chúng tôi chia làm 3 đội, 2 đội đi xây, 1 đội ở lại trường tiểu học lo việc dạy học cũng như nấu ăn cho cả nhóm và công việc sẽ được hoán chuyển giữa các nhóm vào những ngày sau. Người thì hào hứng xem những hình ảnh con thú, tư liệu giảng dạy cho lớp tiếng Anh, người thì cầm xẻng, cầm nón, tất cả đều sẵn sàng cho những thử thách trong 3 ngày sắp tới.

Thế nhưng, công việc đã không dễ dàng như chúng tôi tưởng tượng, nhất là việc xây dựng bể chứa nước. Chỉ sau 15’ cuốc đá, cát vào thùng, rồi trộn xi măng, rồi bê vác, chúng tôi, những người chỉ quen làm việc với cái máy tính, giấy tờ, đã ướt đẫm mồ hôi, thở dốc. Để động viên nhau, chúng tôi nói đùa với nhau rằng “ We have very meaningful free gym 😀 ” ( tạm dịch: Chúng ta đang được tập thể dục vừa miễn phí vừa có ích” ).  Đến buổi chiều và những ngày sau đó, chúng tôi đã quen dần với công việc và biết cách kết hợp với nhau để thực hiện công việc hiệu quả hơn.

Công việc cũng dường như bớt mệt hơn khi chúng tôi được chính những gia đình chúng tôi đang xây bể nước cho mang cho chúng tôi những cốc nước, nước dừa, rau câu dừa, mứt dừa tự tay làm. Các ông, các bà , các dì, các chú luôn miệng cảm ơn chúng tôi vì đã xây cho họ bể nước. Có dì bảo “Không có gì để cho lại mấy con hết” , nhưng với chúng tôi, sự vui mừng của các hộ gia đình khi có bề nước cũng như  lợi ích mà một bể nước được xây chắc chắn sẽ mang lại cho họ chính là món quà lớn nhất mà chúng tôi đã và mong sẽ nhận lại được.

Với những người ít động đến công việc tay chân nay phải một ngày 4 tiếng làm bạn với cuốc xẻng, đất đá, mệt mỏi, đau nhức vẫn là điều không tránh khỏi, nhưng không ai than vãn một lời. Điều tất cả chúng tôi quan tâm là “ Liệu chiều nay trời có mưa không?”, “ Trưa trời mưa to thế này rồi tí nữa có tạnh để cho chúng ta làm việc không?”, “ Chúng ta có nên dậy sớm, làm sớm để hoàn thành 4 cái bể trước khi trời mưa không?”. Và thật may mắn, dường như ông trời hiểu được điều chúng tôi lo lắng. Dù 3 ngày làm việc đã đến 2 hôm mưa to nhưng trời luôn quang tạnh, nắng đẹp mỗi khi chúng tôi bắt đầu làm việc. 2 bể chứa nước 1 buổi, 12 bể chứa nước trong 3 ngày, tất cả đều đã đươc hoàn thành như đúng dự kiến.

Công việc dạy học, tưởng chừng như dễ dàng hơn, vui hơn nhưng cũng có những “cái khổ” riêng.  “Cái khổ” ở đây là các em quá năng động, quá thích chơi đùa với các anh chị từ nơi khác đến thăm  ^^. Trong giờ học, các em nhao nhao giơ tay đòi trả lời, làm chúng tôi phải nhức óc nghĩ xem nên chọn em nào để cho em nào cũng được nói, được quà. Bên cạnh đó, cũng có một số em nhút nhát, im lặng trong lớp.  Chúng tôi cũng phải để ý, khuyến khích, thậm chí đẩy các em lên trước lớp để nói. Thật vui là các em cũng rất ngoan, nghe lời chúng tôi, vất bỏ sự nhút nhát của mình để tích cực tham gia vào lớp học. Như cô Phước, hiệu trưởng trường, đã nói “Những dịp như thế này là cơ hội tốt cho các em vì cô để ý những em nào đã được tiếp xúc với các anh chị nước ngoài thì sau này sẽ rất dạn dĩ trong việc học và cuộc sống”. Chung một suy nghĩ với cô, chúng tôi cũng mong qua những giờ học Anh văn tuy ngắn ngủi nhưng cũng phần nào giúp các em trở nên tự tin hơn và tìm thấy niềm vui qua việc học.

Nhưng điều làm tất cả chúng tôi vui nhất trong suốt 4 ngày ở trường tiểu học An Hiệp 1 không phải là trình độ tiếng Anh của các em mà chính là sự ngây thơ, vui tươi, ngoan ngoãn của các em. Dù không nói chung một ngôn ngữ nhưng các em chào mừng chúng tôi như những người thân trong gia đình. Cứ đến giờ ra chơi là các em lại ùa đến chỗ chúng tôi đang ngồi nghỉ. Các em kéo ghế ngồi quanh chúng tôi, nhìn chúng tôi với ánh mắt thích thú, rồi các em tập trung suy nghĩ , hỏi chúng tôi tên, tuổi… dù chỉ bằng những từ tiếng Anh phát âm chưa được chỉn chu, câu có chữ được chữ không. Các em bằng mọi cách kéo các cô chú người nước ngoài ra sân chơi, không rủ được thì lại chạy đi kiếm TNV người Việt để dịch cho các cô chú ấy rằng “ Cô ơi, cô kêu mấy cô chú nước ngoài ra chơi với bọn con”. Rồi đôi khi các em lại mang cho chúng tôi những điều vô cùng bất ngờ. Có em chạy ra tặng cho Christelle (1 TNV Sing) một cây kẹo mút, một lát sau lại tặng cho Christelle và Ciying ( 1 TNV Sing) 2 bức tranh. Có em cho chúng tôi 3 viên kẹo C. Có em cuối giờ học, rút từ hòm bàn một chum hoa giấy em tự làm, chạy lên tặng Ciying. Những món quà tuy nhỏ, nhưng tôi tin lại như là gia tài đối với các em nhỏ ở vùng quê sâu xa, vậy mà các em tặng cho chúng tôi không ngần ngại.

Các em còn rất ngoan, nói năng rất lễ phép. Dù chúng tôi chỉ là những TNV, đứng lớp trong đúng 1 tiếng đồng hồ nhưng các em vẫn khoanh tay “ Dạ, thưa cô, thưa thầy”, và đồng loạt đứng nghiêm chào và cám ơn chúng tôi trước và sau buổi học “ Hello, teacher”, “ Thank you, teacher”. Chỉ trong một giây lát ngắn ngủi ấy mà các em khiến chúng tôi cảm thấy công việc mình làm thật vô cùng có ý nghĩa.  Bên cạnh đó, các em khiến cho chúng tôi suy nghĩ phải làm sao để đảm bảo được việc học cho các em vì những đứa bé với nhân cách tốt thế này, nếu được học hành đến nơi đến chốn sẽ làm thay đổi An Hiệp, sẽ làm An Hiệp bừng sáng hơn mai này!

Ngày cuối cùng của chuyến đi, chúng tôi đi tới thăm và trao gạo và một ít bánh, muối, đường cho 3 hộ nghèo của xã. Những căn nhà nằm ở trong những ngóc ngách xa xôi, và cuộc đời của những con người sống trong 3 căn nhà đó cũng nhiều nỗi niềm, trắc trở như chính đường đi tới căn nhà của họ vậy. Cả 3 đều là những cụ ông, cụ bà đã qua tuổi 80, cái tuổi đáng lẽ phải được nghỉ ngơi, chăm sóc thì đây họ vẫn còn nhiều lo lắng cho chính số phận của họ, và của cả con cháu. Chỉ đúng lúc này, tôi ước chúng tôi có nhiều thời gian hơn, các TNV Singapore có thể nói và hiểu được tiếng Việt để chúng tôi có thể lắng nghe họ nói thật nhiều và nhiều như là một cách chia sẻ với những nỗi niềm, lo âu về cái nghèo cái khổ mà họ không có nhiều dịp để tâm sự với ai. Bước ra khỏi nhà, tâm trạng chúng tôi thật nặng trĩu, nhưng lâu lâu lại thấy vui khi biết được sắp tới họ lại tiếp tục nhận được sự trợ giúp từ xã để cuộc sống bớt khăn hơn.

Sau gần 5 ngày ở tại An Hiệp, chúng tôi lên xe về lại TP. Hồ Chí Minh.  Không ai nói với ai nhưng tôi tin chúng tôi đã được nhiều trải nghiệm và học được nhiều bài học từ chính mảnh đất An Hiệp và con người nơi đây. Chúng tôi đã phải vượt qua những giới hạn của bản thân, thử thách mình với những thứ chưa bao giờ làm để mang tới những điều tốt đẹp hơn cho người khác. Chúng tôi đã nhận ra rằng cái thứ tình cảm chân phương giữa người với người là thứ đẹp dẽ nhất, có thể xoá nhoà khoảng cách giàu nghèo, ngôn ngữ.  Có thể sau này, không ai nhớ tới số tiền phải bỏ ra để xây bể nước, để mua những bộ dụng cụ học tập nhưng cái tấm lòng mà tất cả chúng tôi, những TNV và người dân An Hiệp, trao cho nhau sẽ còn được nhớ đến mãi.

 

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s